Bộ NN-PTNT đã kiến nghị cần có chương trình hỗ trợ lãi suất, giảm giá điện sản xuất để khuyến khích doanh nghiệp tăng thu mua nông sản, đưa vào bảo quản đông lạnh hoặc tích trữ nguồn nguyên liệu chế biến.
Đóng hộp vải thiều xuất sang Nhật Bản
ẢNH: PHAN HẬU
Mua dự trữ nguyên liệu khi giá xuống thấp, gia tăng chế biến, tìm kiếm khách hàng, chuyển sang xuất khẩu dạng đồ hộp... những cách làm linh hoạt này đã và đang giúp nhiều doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định, có lãi lớn trong bối cảnh chịu nhiều áp lực do dịch Covid-19.
Chuyển từ xuất thô, xuất tươi sang chế biến
Báo cáo quý 2 của Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) - một doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, cho thấy doanh thu đạt 67,5 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 13,5 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Lafooco có lợi nhuận sau thuế gấp 2,9 lần so cùng kỳ năm 2020. Theo đại diện của Lafooco, khi giá điều nguyên liệu xuống thấp, doanh nghiệp này chủ động tăng mua dự trữ nguyên liệu, chuyển cơ cấu từ xuất khẩu điều thô sang các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm và tiết giảm chi phí sản xuất... Bên cạnh đó, Lafooco khai trương website bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử… giúp doanh nghiệp này “thắng” lớn trong quý 2. Cũng trong năm nay, Lafooco cho biết tiếp tục kết hợp với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu điều sạch, mở rộng vùng trồng điều hữu cơ đạt chứng nhận của USDA (Mỹ) tạo nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm hạt điều organic chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Trong văn bản gửi Chính phủ gần đây, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị cần có chương trình hỗ trợ lãi suất, giảm giá điện sản xuất để khuyến khích doanh nghiệp tăng thu mua nông sản, đưa vào bảo quản đông lạnh hoặc tích trữ nguồn nguyên liệu chế biến
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Tại Bắc Giang, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu trải qua một mùa vụ tiêu thụ vải thiều vô cùng khó khăn, khi cả nhà máy, vùng nguyên liệu nằm trong điểm nóng dịch Covid-19. Ngay tại nhà máy sơ chế, doanh nghiệp không tuyển đủ lao động đến làm việc vì nhiều khu vực trong vùng phong tỏa, cách ly. Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết mùa vải thiều rất ngắn, xuất khẩu trái cây tươi phải tận dụng từng ngày. Dịch Covid-19 khiến giá cước vận tải, thuê container đi các thị trường Úc, EU, Mỹ tăng gấp nhiều lần, nên doanh nghiệp buộc phải từ bỏ, chuyển hướng thị trường Nhật Bản có đường bay gần hơn. Chỉ trong 2 tháng, doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công 60 tấn vải thiều tươi đi Nhật Bản, cao gấp 6 lần so với mùa vụ năm 2020.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu thành công khi tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu vải đông lạnh, vải đóng hộp, với khoảng 500 tấn vải được thu mua tích trữ vào kho lạnh. Trong đó, trên 100 tấn được xuất khẩu đông lạnh, số còn lại đóng hộp giao hàng cho đối tác Nhật Bản ngay trong tháng 8.
Cũng theo ông Đỗ Hoàng Phương, chiến lược xuất khẩu trái tươi sang sản phẩm chế biến hiện đang áp dụng với trái nhãn. Ngoài Nhật Bản, doanh nghiệp sẽ có một hợp đồng lớn cung cấp sản phẩm nhãn đóng hộp vào thị trường EU. Hiện tại, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu đang thu mua nhãn cho nông dân tại Bắc Giang, Sơn La và Hải Dương.
Rau, quả chế biến tăng đột biến
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng xuất khẩu trái cây tươi chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch Covid-19 khi vận tải đường biển, hàng không rất khó khăn do giá cước tăng cao. Đặc biệt là đường biển, container lạnh dùng để xuất khẩu trái cây tươi đến các thị trường xa như Mỹ, EU tăng giá 5 - 6 lần nhưng không có để thuê, hoàn toàn phụ thuộc vào lịch trình của hãng tàu. Khi xuất khẩu tươi không được thì nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng đầu tư làm sản phẩm chế biến. Bên cạnh đó, lợi thế của trái cây chế biến là cho ra nhiều dòng sản phẩm đa dạng, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng và đặc biệt là phù hợp với kênh bán hàng online trong điều kiện dịch Covid-19.
Cũng theo ông Nguyên, ghi nhận trong 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỷ lệ rau quả chế biến có sự tăng trưởng đột biến. Năm 2019, giá trị rau quả chế biến xuất khẩu chỉ chiếm 15%. Đến năm 2020, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến đạt trên 800 triệu USD, chiếm gần 40% so với tổng giá trị. “Dự báo năm nay, giá trị xuất khẩu sản phẩm rau, quả chế biến đạt trên 50%, khi 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chuyển hướng đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến”, ông Nguyên nói.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trái cây theo mùa vụ, đạt sản lượng trong điều kiện bình thường đã khó, thì nay điều kiện dịch Covid-19 áp lực tăng gấp đôi. Nếu có công nghệ, nhà máy chế biến thì các doanh nghiệp có thể tham gia điều tiết thị trường khi tích trữ hàng vào kho lạnh. Trong khoảng vài năm trở lại đây, ngành chế biến rau quả tại Việt Nam được các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại không thua kém, thậm chí ngang tầm thế giới. Hộ nông dân, HTX tham gia vào vùng nguyên liệu của doanh nghiệp thì giá bán luôn ổn định, không còn lo khâu tiêu thụ.
Cũng theo ông Nam, ở nhiều vùng dịch Covid-19 hiện nay, nhiều loại trái cây, nông sản cung đã vượt cầu, cần có sự tham gia của các nhà máy chế biến. “Trong văn bản gửi Chính phủ gần đây, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị cần có chương trình hỗ trợ lãi suất, giảm giá điện sản xuất để khuyến khích doanh nghiệp tăng thu mua nông sản, đưa vào bảo quản đông lạnh hoặc tích trữ nguồn nguyên liệu chế biến”, ông Nam nói.
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doanh-nghiep-nong-san-tang-che-bien-de-tieu-thu-1431154.html